Chúng tôi thường nói đùa với nhau, Sài Gòn chỉ có hai mùa: Mùa nóng và mùa nóng hơn. Trong cái bầu không khí oi bức, thiêu đốt đó, tôi ước sao mình có thể quay trở lại Nhật Bản.
Cũng dưới cái nắng muốn lả người đi, nhấp một thìa Kakigori mát lạnh để cảm thấy mình hạnh phúc đến nhường nào.
Một thứ mĩ thực chân chính của nghệ thuật và hương vị.
Nhật Bản – xứ sở của những món tráng miệng “có phép thuật”
Tôi biết đến những món tráng miệng của người Nhật từ khi còn rất bé. Còn nhớ khi trình chiếu trên đài truyền hình quốc gia, Asura cô thợ làm bánh đã gây nên một cơn sốt nho nhỏ với khán giả, đặc biệt là những đứa bé ngây ngô dõi theo từng chiếc bánh nhỏ xíu được mô tả “có cả phép thuật”.
Có món bánh Wagashi truyền thống của Kyoto được cải tiến thêm vào chút mứt hoa quả cho phần nhân, ăn vào cảm giác như cả mùa hè mở ra. Có món bánh Sasoi-Botaru (lược dịch là Đèn đom đóm quyến rũ), ở bên dưới được tạo hình như chiếc lá mùa xuân uốn lượn nhẹ nhàng nâng đỡ giọt nước lấp lánh chứa đựng những hạt li ti lấp lánh.
Tháng 5 ngọn gió hè đầu tiên thổi về rì rào trên những chiếc lá phong non làm nên món bánh Waka-kaede vuông vắn, trắng tinh tươm cùng những vệt loang xanh mát.
Những hình ảnh ngọt ngào ấy in sâu vào tiềm thức của mỗi một đứa trẻ, để khi lớn lên chúng gợi nhắc ta về thế giới kỳ diệu tuổi thơ, nơi thực sự có những phép màu trong từng chiếc bánh được nhào nặn bởi bàn tay của người thợ. Quả thật, người Nhật luôn biết cách để cho thế giới thấy được tình yêu và sự chú tâm, tỉ mỉ của họ dành cho từng chi tiết trong món ăn tuyệt vời đến như thế nào.
Tôi đồ rằng chúng ta sẽ chẳng thể bắt gặp bất kỳ đâu những góc quay sáng tạo, đẹp mắt tôn lên sự hấp dẫn cho món ăn như ở Nhật.
Không chỉ là cô thợ làm bánh Asura, còn là những thước phim trữ tình của series Osen, hay gần đây nhất Kantaro: The Sweet Tooth Salaryman, bạn sẽ gần như lạc trong những khung hình hài hoà, chỉn chu mô tả món ăn từ khi chế biến cho đến lúc được bày biện đẹp đẽ trên chiếc đĩa trắng tinh.
Tựa như chỉ ngồi một chỗ thôi mà ta cảm nhận được đĩa Kakigori anh chàng Kantaro đáng ghen tỵ kia đang thưởng thức thơm mát ngọt ngào đến nhường nào.
Chao ôi, bỗng một niềm ước ao mãnh liệt vụt đến trong tâm trí, mình phải đến Nhật để ăn tráng miệng thôi!
Nhắm mắt lại, và hạnh phúc
Tôi đến Nhật vào một ngày mùa hè đầy nắng. Thật ra, đó là cách nói tránh cho cơn oi ả đột nhiên ập xuống không khí nơi đây. Ngoài đường, mọi người đều cố gắng di chuyển thật nhanh, hoặc chỉ ở những nơi có bóng râm để bớt cảm giác khó chịu do nhiệt độ cao.
Đầu óc tuy có chút choáng váng nhưng tôi vẫn tự nhủ với lòng, trời càng nóng thì lại càng thích hợp cho một món tráng miệng độc đáo của người Nhật – kakigori.
Chỉ cần nghĩ đến viễn cảnh được xắn một thìa đá bào mỏng như tuyết trắng tinh tươm, rưới đầy syrup dưa lưới, cho vào miệng để cảm nhận thiên đường thực sự tồn tại cũng bỏ công để lặn lội đến khu nổi tiếng về Kakigori nhất Tokyo – Nishi Ogikubo.
Lặn lội dậy thật sớm để bắt vài chuyến tàu đến trạm Kichijoji, đây rồi tiệm Kakigori trứ danh Kooriya Peace nằm khuất trong một góc rất khiêm tốn, hứa hẹn cho một trải nghiệm thật “tuyệt cú mèo”. Cũng cần nói thêm một chút về sự đặc biệt của tiệm, ngoài việc chỉ kinh doanh độc các món liên quan đến Kakigori, quán có cho phép các thực khách đến sau 10 giờ sáng được đặt lịch hẹn để không phải xếp hàng chờ lâu. Tôi đến nơi cũng chỉ hơn 10h một chút nhưng đã có …6 thực khách khác xí chỗ trước. Nhanh nhảu chọn giờ thuận tiện nhất – 12 giờ rồi đi lòng vòng ở các khu lân cận, tôi có mặt y beng giờ hẹn và chọn cho mình một món hấp dẫn nhất trong lúc xếp hàng vào quán. Bạn biết đấy, tôi đã thực sự biết đến thiên đường từ đây!
Kakigori của người Nhật được làm từ đá bào mỏng tang, tựa như những bông tuyết trắng tinh khiết đầu tiên của mùa đông.
Sau khi cho đá vào máy xay, người thợ chế biến sẽ nhẹ nhàng hứng từng thớ đá rơi xuống, sau đó dừng một lực thật vừa đủ để vỗ về nhẹ nhàng tạo thành khối. Thậm chí, đến độ dày mỏng của đá bào cũng được tính toán cẩn thận sao cho cân đối với lượng topping ở trên.
Topping càng nặng thì đá được bào cũng dày hơn để đảm bảo cho đủ sức nâng đỡ cho trọng lượng phía trên. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả khi ăn muỗng kakigori đầu tiên đó chính là sự mát lạnh đến giản dị nhưng tuyệt đối khi bị buốt hay tê nhức.
Làm được điều này, theo người thợ chế biến tại Kooriya Peace bật mí chính là việc lựa chọn đúng nhiệt độ thích hợp khi cho đá vào xay.
Thông thường, đá phải được làm từ nước tinh khiết, sau đó làm đông lại ở nhiệt độ -18 độ để đá đủ già. Muốn tạo nên món kakigori hoàn hảo, người chế biến sẽ phải làm ấm đá đến gần nhiệt độ phù hợp là từ -5 đến -10 độ rồi mới cho vào máy xay, nhờ đó khi ăn đá lập tức tan nhẹ trên đầu lưỡi, cực kỳ sảng khoái mát lạnh.
Đấy là nói đến phần đá bào. Topping lại là cả một thiên đường khác mà khi trót sa chân vào, bạn sẽ cảm giác mình không thể nào rời ra được.
Tôi chọn món Premium Melon Kakigori để nhấm nháp vì chỉ có mùa hè dưa lưới mới có vị ngọt và độ giòn vừa phải tuyệt vời đến vậy.
Chao ôi, lớp đá bào được tưới lớp syrup xay hoàn toàn từ dưa lưới mới hái, ngon thanh dịu kết hợp với từng viên dưa lưới vo tròn cùng một chút kem lạnh bên trên ngon đến nao lòng.
Hình như tôi vừa nghe dự báo thời tiết thông báo nắng nóng lại đổ về. Bâng khuâng một lúc để đấu tranh với cảm giác muốn trốn trong phòng máy lạnh cả ngày và việc tưởng thưởng cho mình một tô kakigori, cuối cùng sự thèm ăn đã chiến thắng một cách tuyệt đối. Chẳng phải cất công đến Nhật Bản để tìm lại phong vị tuyệt vời ngày ấy, tôi biết chỉ chốc lát nữa thôi mình sẽ hoàn toàn chìm đắm trong món Matcha Kinako Mochi Kakigori của Morico. Để biết biết lòng mình còn hân hoan và run lên vì những thứ mỹ thực thực sự và bình yên.
Mùa hè, nhất định phải ăn Kakigori!
Morico Kakigori luôn là lựa chọn tuyệt vời cho những ngày hè oi nồng.