Ở Nhật người ta hay đi rừng vừa để luyện tập sức khoẻ và cũng vừa để tìm kiếm sự bình yên cho bản thân sau những ngày làm việc căng thẳng. Morico còn thấy một số gia đình ba mẹ dẫn con cái đi rừng để trẻ con có thể gần gũi hơn với thiên nhiên.
Đi rừng ở Nhật cực kì khoẻ vì mọi thứ đều được con người chuẩn bị, sắp xếp tất cả. Bắt đầu chuyến đi sẽ là toilet để người đi rừng giải toả mọi nhu cầu. Bản đồ sẽ cho mình biết được là hành trình sắp tới sẽ nhìn như thế nào, sẽ cần bao nhiêu thời gian để hoàn thành từng hành trình. Trong suốt chặn đường, Morico hoàn toàn có thể an tâm để khám phá: cây cỏ, chim rừng, rêu phong, ngay cả những con bọ. Tại từng chặn đường, sẽ có bản thông tin cho biết những loại cây, thú rừng đặc trưng của địa phận. Tại từng chặn đường, sẽ có những điểm dừng để thông báo nơi có cảnh quan đặc sắc, hay những băng ghế mà Morico có thể ngồi xuống và cảm nhận cái đẹp của khu rừng. Băng qua sông, băng qua sình lầy hay đường tuyết trơn trượt đều có sự chuẩn bị tính toán kỹ lưỡng để người đi có thể hoàn toàn an tâm, vững bước tiến trước và hoà mình vào cái đẹp của khu rừng & thưởng thức bằng tất cả các giác quan của bạn. Không có vắt cũng không sợ bị côn trùng cắn. Tuy nhiên rừng Nhật sẽ có gấu nhưng gấu sợ người chứ người không sợ gấu (Morico nghe nói chỉ cần lắc lắc cái chuông nhỏ giống chuông đeo cổ của Doraemon là gấu sẽ sợ chạy mất).
Điểm thú vị là người tổ chức còn làm một con đường gỗ trong rừng và Morico cứ thế mà đi theo con đường đó để lên được tới đích. Dù có bàn tay sắp đặt của con người thì họ vẫn cố gắng làm sao để càng tự nhiên càng tốt. Ví dụ như có một cái cây mọc giữa đường họ sẽ không chặt cây mà thay vào đó sẽ làm con đường vòng quanh cái cây đó; nếu có một cây già đổ sập giữa đường đi họ sẽ cưa phần thân cây chắn ngang con đường và đặt nó bên cạnh phần còn lại. Trong rừng cũng có kha khá cây già bứt gốc với bộ rễ đồ sộ hoa văn tự nhiên siêu đẹp nhưng người ta vẫn để yên cho nó, không “đem” nó đi đâu cả. Tôn trọng tự nhiên là tiêu chí hàng đầu!
Morico đi cuối mùa thu nên cũng dự đoán được lá đỏ ở Nikko 99% đã rụng hết, chỉ với 1% hy vọng còn sót lại nên không thất vọng nhiều khi đối mặt với sự thật. Nhưng trong cái rủi có cái may, nhờ vậy Morico mới được cảm nhận vẻ đẹp của rừng theo một cách hoàn toàn khác, mộc mạc, chẳng cần lá đỏ, chẳng cần sakura hay tuyết trắng phủ khắp núi. Morico đi qua nhiều tầng rừng khác nhau từ những cây phong đã tàn lá chỉ còn cành không khẳng khiu đến rừng sakura còn chưa lên nụ hay rừng thông, rừng bạch đàn. Tất cả đều có vẻ đẹp riêng không thể diễn tả bằng lời, khiến con người ta phải rung động. À một điều may mắn nữa của Morico trong chuyến đi vừa rồi đó là càng lên cao càng có tuyết phủ nhẹ, lâu lâu có một cơn gió lớn làm hạt tuyết li ti li ti bay đẹp lắm, tuyết vừa đủ làm cho khung cảnh thêm nên thơ, con đường mình đi thêm đẹp chứ không quá dơ hay trơn trợt. Cứ thế, Morico đi bộ 5 hay 6 tiếng gì đó để lên đến đỉnh núi mà chẳng thấy mệt chút nào trừ lúc leo thác có hơi vất vã một chút.
Có một kinh nghiệm vui Morico đã đút kết từ chuyến đi này đó là dù có lười như thế nào thì cũng nên đem theo nước sôi. Đi được 2/3 chặng đường có khu picnic để người đi rừng có thể ngồi nghỉ chấn, ăn nhẹ bên hồ lãng mạn lắm. Ngồi đây Morico có thể nhìn đàn vịt bơi bơi, lá cây rơi rơi và lâu lâu liếc mắt nhìn nhóm người bên cạnh đang ăn mì tôm nóng hổi vừa thổi vừa ăn. Lúc đó, Morico cảm thấy có chút gì đó sai sai khi đem theo bánh mì & phô mai để ngồi ăn ở chốn này, bánh mì ngon thật đó, phô mai thơm thật đó nhưng nó không có “đã” bằng tô mì đang bốc khói bên kia. Có cặp vợ chồng ngồi sau lưng Morico còn đem theo bếp mini ngộ lắm, họ ngồi xào xào nấu nấu thêm mấy thứ linh tinh cho vào nồi mì tôm bốc khói. Trông hấp dẫn lắm!
Với tình yêu to lớn dành cho những tô mì và nghe nói ở trạm dừng chân trên thác có cửa hàng tạp hoá bán mì không biết từ đâu Morico có năng lượng tràn trề. Nhân vật hay thong thả, đi chậm để chụp hình, quay phim nhất nhóm Morico cũng tự nhiên đi nhanh hơn hẳn, dẫn đầu đoàn đi băng băng qua rừng, qua dốc.
Sau khi ngắm rừng, ngắm suối, ngắm thác nhỏ, thác vừa thì Morico cũng đã được vừa ăn mì tôm vừa ngắm thác Kegon hùng vĩ (nghe nói thác cao hơn 90m và là một trong những thác nước cao nhất Nhật Bản). Đích đến cuối cùng của Morico là một cái hồ lớn (nếu Morico nhớ không lầm thì đó là hồ Chuzenji), đứng bên này của bờ hồ rộng mênh mông Morico có thể thấy xa xa bên kia là ngọn núi cao với chút tuyết phủ trắng trên đỉnh. Men theo bờ hồ, Morico đến khu suối nước nóng để kết thúc hành trình cũng như tự thưởng cho bản thân sau 5-6 tiếng đi rừng. Theo dự định ban đầu, mọi người sẽ cùng đi tắm onsen nhưng vì trục trặc nên cuối cùng chỉ có thể đi ngâm chân 20 phút rồi chạy như bay để đón xe bus xuống núi kịp quay về Tokyo trước 7 giờ tối. Nhưng trong cái rủi cũng có cái may, nhờ vỡ kế hoạch nên Morico mới có dịp ngắm mặt trời lặn trên đường xuống núi, bên tay phải Morico là mặt trời màu đỏ cam đang chuẩn bị đi ngủ sau những cánh rừng, bên tay trái là những ngọn núi màu hồng nâu nhẹ đang phản chiếu ánh sáng của hoàng hôn. Cảnh đẹp không thể diễn tả thành lời.
Đó là khu rừng Nhật Bản. Đó là khu rừng truyền cảm hứng cho sự ra đời của Morico. Khu rừng có thể nguy hiểm và đầy trở ngại nhưng cũng có thể là nơi tràn ngập cái đẹp để người đi rừng có thể an tâm thưởng thức và khám phá điều đó phụ thuộc vào người tổ chức khu rừng cho hành trình của bạn. Và cũng từ đó, ẩm thực và văn hoá Nhật Bản với vô vàn nét đẹp và những điều thú vị Morico mong muốn có thể đồng hành cùng khách hàng & giúp khách hàng có thể hoàn toàn an tâm thưởng thức và khám phá.
#livewithmorico #moricocafe