Hiện nay người dân đang đánh bắt và mua bán nhiều loại cá cũng như động vật có vỏ sống trong rừng ngập mặn. Các loại nguyên liệu mà con người thường xuyên sử dụng như củi và than cũng đến từ những cánh rừng này. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn mang nhiều giá trị văn hóa nên rất thích hợp để phát triển du lịch. Như vậy, rừng ngập mặn đang là nơi cung cấp sinh kế cho rất nhiều người, họ kiếm sống chủ yếu dựa vào việc khai thác rừng.
Rừng ngập mặn góp phần bảo vệ người dân, nhà cửa và ruộng rẫy khỏi thiên tai như bão lũ và ngập lụt. Thân cây, cành và rễ của chúng đóng vai trò như những rào cản giúp hạn chế ảnh hưởng từ sóng và gió mạnh.
Rừng ngập mặn còn có tác dụng rất tốt trong việc loại bỏ khí thải nhà kính (nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu) ra khỏi bầu khí quyển.
Thông thường, hiện tượng xói lở xảy ra rất mạnh tại các khu vực bờ sông và bờ biển nơi rừng ngập mặn bị tàn phá. Nguyên nhân là do hệ thống các thân, cành và rễ của rừng ngập mặn đã giúp giữ lại và kết dính phù sa từ sông mang ra.
Một trong những loài cây tiên phong trong việc phát triển rừng ngập mặn là cây Mắm. Chúng giúp cốt kết đất bùn loãng và giữ phù sa ở lại.
Bằng những quá trình sinh hóa phức tạp, rừng ngập mặn phân giải, chuyển hóa và hấp thụ các chất độc hại. Nhờ đó, chúng giúp lọc bỏ phú dưỡng, trầm tích và chất ô nhiễm ra khỏi đại dương và sông ngòi.
Rừng ngập mặn cung cấp nơi cư trú và thức ăn cho rất nhiều loài động vật. Ví dụ như lá và thân cây sau khi bị phân hủy sẽ tạo ra những vụn chất hữu cơ, trở thành thức ăn cho các loài thủy sinh. Tương tự như vậy, các sinh vật phù du sống dưới rễ cây ngập mặn là nguồn thức ăn quan trọng của nhiều loài cá.